Save on PinterestShare on FacebookShare on TwitterLike this design
Mất động lực học tập khiến cho nhiều sinh viên dần bỏ bê việc học
Học tập trong môi trường đại học sẽ yêu cầu sinh viên phải làm quen với việc "Tự học". Đây là một hành trình yêu cầu có sự nỗ lực và kiên trì của mỗi cá nhân. Với khối lượng kiến thức quá nhiều và khó hiểu, nhiều sinh viên dễ bị nản, mất động lực với việc học, kéo theo những kết quả không mong muốn.
Điều này có thể do sinh viên vẫn chưa xác định được mục tiêu rõ ràng. Một số sinh viên vẫn chưa tìm ra nguyện vọng, mục đích học của bản thân trong học tập là gì, không biết nên làm gì, bắt đầu từ đâu. Từ đó, rất dễ rơi vào tình trạng "buông xuôi", đến đâu hay đến đó.
Bên cạnh lý do trên, sinh viên còn bị ảnh hưởng của những tác động bên ngoài như mạng xã hội, dành nhiều thời gian đi làm thêm… Đây cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây mất động lực học tập của nhiều bạn trẻ hiện nay. Những tác nhân bên ngoài có thể hấp dẫn sinh viên khiến cho việc học bị xao nhãng, lơ là và thậm chí là trì hoãn quá trình học tập lại để làm những việc khác.
Nhiều sinh viên vẫn chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp với bản thân mình. Vì vậy, sinh viên sẽ khó tiếp thu nhiều kiến thức chuyên ngành. Việc này khiến các sinh viên thêm mệt mỏi, suy kiệt về sức khỏe và dần cảm thấy chán ghét việc học.
Mất động lực học tập đang khiến cho nhiều sinh viên dần bỏ bê việc học hoặc thậm chí cảm thấy ghét, thù hằn việc học. Điều này làm kết quả học tập và việc tiếp thu kiến thức bị ảnh hưởng rất nhiều.
Cách tăng động lực học tập cho sinh viên
Để có động lực học tập, sinh viên nên lập ra các mục tiêu học tập rõ ràng, cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để sinh viên có thể duy trì được sự hào hứng và kiên trì hơn trong quá trình học tập.
Trên thực tế, có rất nhiều sinh viên mới lên đại học đặt ra nhiều mục tiêu học tập, nhưng khi học được một thời gian đã nản và không còn tập trung vào việc học. Vì vậy, mục tiêu học tập đặt ra cũng cần phải dựa trên những mong muốn, đam mê và mang tính thực tế, phù hợp với khả năng của bản thân.
Có thể thấy, thiết lập những mục tiêu rõ ràng, việc xây dựng các mục tiêu cụ thể và có thể đạt được là rất quan trọng. Hãy bắt đầu từ những mục tiêu lớn, sau đó chia nhỏ dần để dễ dàng thực hiện và từng bước đạt được mục tiêu.
Trên đại học, sinh viên phải học các môn đại cương và chuyên ngành, nên sẽ có một khối lượng kiến thức khổng lồ cần được dung nạp trong thời gian rất ngắn. Phương pháp học cũ có thể không còn phù hợp với môi trường học tập mới. Việc tìm hiểu được phương pháp học tập phù hợp sẽ giúp sinh viên có phương hướng học tập đúng đắn hơn.
Khi có phương pháp học tập, thời gian để tiếp thu những kiến thức được rút ngắn, có thể tiết kiệm nhiều thời gian hơn cho các kế hoạch khác. Ngoài ra, các phương pháp hiệu quả còn giúp sinh viên có thể tối ưu hóa thời gian học, tránh lãng phí thời gian vào những cách học không hiệu quả hoặc không cần thiết.
Khi đã tìm được cách học hiệu quả, sẽ kích thích sự thích thú học tập, từ đó thúc đẩy tư duy tự học, tự quản lý và kiểm soát quá trình học một cách hiệu quả hơn.
Ai cũng có một áp lực nào đó bên trong mình. Lứa tuổi sinh viên cũng có rất nhiều áp lực đến từ nhiều phía, có thể từ bên trong bản thân sinh hoặc từ bạn bè, thầy cô... Áp lực sẽ làm cho sinh viên có nhiều sự mệt mỏi, chán nản, buồn bã, và có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.
Nhưng "có áp lực mới có kim cương", áp lực đôi khi lại tác động đến mọi người và đặc biệt là sinh viên theo hướng tích cực. Có rất nhiều người chỉ thực sự bắt tay vào làm việc khi có một áp lực nào đó đè lên đôi vai của họ.
Có rất nhiều cách để có được động lực và cảm hứng học tập, việc tìm một người để học tập, noi gương cũng là một cách rất hiệu quả. Việc truyền cảm hứng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là thần tượng, người nổi tiếng trong một một lĩnh vực nào đó, thầy cô giáo, giảng viên, mentor hay từ chính những người bạn. Mỗi đối tượng sẽ có những khía cạnh riêng để khơi dậy động lực và sự đam mê học tập, làm việc của bản thân.
Đó là những người bạn yêu thích, tin tưởng và có những thành công riêng. Sinh viên có thể biết đến những câu chuyện cá nhân phía sau họ để cảm thấy được sự nhiệt huyết và đầy động lực, khuyến khích theo đuổi mục tiêu của mình. Sinh viên có thể nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, cảm thấy luôn được động viên, giúp duy trì động lực trong suốt quá trình học tập, làm việc.
Cuối cùng, sự thành công cá nhân từ việc đạt được các mục tiêu nhỏ cũng có thể tạo động lực lớn, khiến sinh viên cảm thấy tự tin và hứng thú hơn trong hành trình học tập của mình.
Tự thưởng cho bản thân là việc tuy nhỏ nhưng lại rất hiệu quả để duy trì động lực và khuyến khích sự nỗ lực trong quá trình học tập hoặc làm việc. Đưa ra các phần thưởng cho những thành tựu, dù lớn hay nhỏ, sẽ giúp sinh viên có những niềm vui nho nhỏ, cảm thấy sự nỗ lực và cố gắng của bản thân có kết quả và được công nhận. Phần thưởng có thể là một đồ vật yêu thích muốn mua từ lâu, một buổi đi chơi, một bữa ăn thịnh soạn,... Quan trọng là, phần thưởng nên phản ánh sở thích và nhu cầu của mỗi cá nhân, giúp cảm thấy hài lòng và có động lực tiếp tục phấn đấu.