Tổ Chức Wto Đã Làm Gì Để Giúp Việt Nam

Tổ Chức Wto Đã Làm Gì Để Giúp Việt Nam

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

Lợi ích mà Việt nam có được khi tham gia vào WTO

Theo ông Lương Văn Tự, có thể nêu ra nhiều “cái được” của Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO. Đáng nói nhất là Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài nhờ có môi trường ổn định, minh bạch. Năm 2006, vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, tới năm 2007 đạt 21,3 tỷ USD và tới 2008 đã tăng lên 64 tỷ USD. Tuy nhiên, do bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, năm 2010 vốn đăng ký nước ngoài giảm còn 18 tỷ và tới năm 2011 chỉ còn đạt 15 tỷ đồng. Mặc dù vậy, vốn ODA vẫn đạt tăng trưởng cao và giải ngân tăng nhanh.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục sau 5 năm, trung bình 19,52%/năm. Đáng lưu ý, dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2010 xuất khẩu vẫn đạt 72,2 tỷ USD (tăng 26,4%) và năm 2011 tăng lên 96,3 tỷ USD (tăng 33%). Tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu đã thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ phân phối, bán lẻ phát triển mạnh. Các doanh nghiệp đã tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ, tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình phong phú. Số lượng siêu thị thành lập mới sau 5 năm gia nhập WTO tăng trên 20% (303/251) so với giai đoạn 5 năm trước đó. Riêng số lượng trung tâm thương mại được thành lập mới tăng trên 72%. Bên cạnh sự ra đời của siêu thị, trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại,…đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, sau khi gia nhập WTO đã có bước phát triển bền vững hơn. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và cà phê đứng hàng thứ 2 thế giới; xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều đứng hàng thứ nhất thế giới… Nông nghiệp của Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong diễn đàn DAVOS vừa qua.

Những mặt được sau 5 năm gia nhập WTO không thể phủ nhận, tuy nhiên sau gia nhập WTO đất nước ta đã phải đối mặt với những vấn đề gì ? Đó là những vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra tại Hội thảo.

Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh gia tăng, kể cả trên thị trường trong nước do nước ta phải từng bước mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, do đã liên thông với thị trường quốc tế nên những biến động của thế giới tác động vào Việt Nam nhanh hơn và mạnh hơn. “Từ sông suối ra biển lớn” thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không khỏi bỡ ngỡ, sơ hở và thua thiệt.

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, dù ngành bán lẻ của Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc sau 5 năm gia nhập nhưng thị trường vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như: quy mô thị trường nhỏ và sức mua yếu; phân tán, manh mún, hiệu xuất thấp; thị trường chủ yếu là bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20% trên cả nước. Doanh nghiệp bán lẻ yếu về nhiều mặt, trong đó có 4 điểm yếu cố hữu (về tính chuyên nghiệp, chiến lược dài hạn, năng lực tài chính…). “Nói cách khác khó khăn và thử thách bộn bề và vẫn còn đó những căn bệnh trầm kha trong phát triển thị trường ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và doanh nghiệp”.

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đồng thời đại diện Công ty cổ phần tập đoàn INTIMEX cho biết, khi vào “cuộc chơi” WTO, “Khó khăn đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng là lãi xuất quá cao. Doanh nghiệp tuy làm nhiều nhưng lợi nhuận không tương xứng do phải trả lãi vay ngân hàng quá nhiều. Nhà nước cần có chính sách để hạ lãi xuất, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”. Ông Nam cũng cho biết bất cập trong công tác quản lý đã tạo điều kiện thiếu bình đẳng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp nước ngoài ngày càng thêm ưu thế trên thị trường, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mất dần lợi thế.

Tại Hội thảo, ông Lương Văn Tự cho rằng, những kết quả bước đầu sau 5 năm hội nhập là “bàn đạp” để kinh tế Việt Nam trỗi dậy, trở thành nền kinh tế mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện. “Cần thiết phải đưa các văn bản pháp luật thực thi vào cuộc sống. Trong đó các bộ, ngành cần phối hợp tốt hơn để tránh ùn tắc và hạn chế các khoảng trống trong quản lý. Thêm vào đó, cần xây dựng chiến lược hội nhập WTO lâu dài định hướng cho phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn”.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng bài học rút ra sau 5 năm đối với kinh tế Việt Nam là làm sao phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm bằng các biện pháp thiết thực; tranh thủ công nghệ tiên tiến để “thoát khỏi bẫy trung bình”, bên cạnh đó phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.